10-01-2018


Bảo lãnh thí điểm cho dự án PPP giao thông quan trọng: Cần thiết nhưng phải thận trọng

(BĐT) – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phát hành Hồ sơ mời sơ tuyển Dự án thành phần 1B đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch không có các bảo lãnh của Chính phủ liên quan đến một số rủi ro lớn của dự án PPP. 

Tại các dự án PPP, nếu cấp bảo lãnh không thận trọng có thể tác động đến nợ công trong giai đoạn trước mắt. Ảnh: Gia Khoa

Tại các dự án PPP, nếu cấp bảo lãnh không thận trọng có thể tác động đến nợ công trong giai đoạn trước mắt. Ảnh: Gia Khoa

Tuy nhiên, sau khi mua Hồ sơ mời sơ tuyển, các nhà đầu tư đều trả lời không tham gia vì quá nhiều rủi ro và cơ chế chưa phù hợp thông lệ quốc tế.

Dự án PPP khó thu hút nhà đầu tư vì nhiều rủi ro

Ví dụ trên được Bộ GTVT dẫn ra để minh chứng cho việc cần thiết có cơ chế bảo lãnh đối với một số dự án PPP giao thông quan trọng. Tại các diễn đàn về PPP, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng cho biết họ chần chừ tham gia vào các dự án PPP giao thông lớn tại Việt Nam vì lo ngại rơi vào “canh bạc” với nhiều rủi ro ngoài tầm kiểm soát.

Bộ GTVT cho biết, hiện nay ngành GTVT mới chỉ kêu gọi được các nhà đầu tư trong nước với năng lực tài chính, kỹ thuật hạn chế. Đối với nguồn vốn nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài đều có quan ngại là quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam thay đổi nhiều; mức tín nhiệm quốc gia chưa cao; công tác giải phóng mặt bằng quá phức tạp, không kiểm soát được giá thành và tiến độ. Các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính đều yêu cầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ rủi ro thuộc về chính sách do Chính phủ quản lý, trong đó các rủi ro mà nhất thiết cần có bảo lãnh của Chính phủ hoặc bên thứ 3 gồm rủi ro về doanh thu, rủi ro về khả năng chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro về thực hiện trách nhiệm của Chính phủ. Trong khi theo quy định hiện hành, hầu hết các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng điều kiện được cung cấp bảo lãnh.

Bộ GTVT dẫn ra thông lệ quốc tế đối với các nước có điều kiện tương tự Việt Nam giai đoạn đầu áp dụng hình thức đầu tư PPP đều được chính phủ cấp bảo lãnh, ví dụ như Hàn Quốc, Mexico, Ấn Độ, Philippines,…

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận các cam kết, bảo lãnh, gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh bên thứ 3 đối với trách nhiệm của Chính phủ; đồng thời kiến nghị cho phép áp dụng thí điểm đối với 2 dự án gồm Dự án Đường cao tốc Dầu Giây -Phan Thiết và Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch.

Cân nhắc kỹ trong lựa chọn dự án thí điểm

Bộ Tài chính xin thêm thời gian để nghiên cứu kỹ hơn về các cơ chế bảo lãnh để áp dụng thí điểm cho một số dự án PPP giao thông quan trọng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý II năm sau.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các cơ chế bảo lãnh để áp dụng thí điểm cho một số dự án PPP giao thông quan trọng; dự thảo cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đối với dự án PPP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2017.

Mới đây, Bộ Tài chính cho rằng, các đề xuất của Bộ GTVT đều là vấn đề mới, chưa có tiền lệ và chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Ngoài ra, việc áp dụng các cơ chế thí điểm như kiến nghị của Bộ GTVT tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân sách nhà nước, tính khả thi trong thực hiện là không cao do vướng mắc của các quy định hiện hành đối với việc bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh của Nhà nước khi phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh… Vì thế, Bộ Tài chính đã xin thêm thời gian để nghiên cứu kỹ hơn về các cơ chế bảo lãnh để áp dụng thí điểm cho một số dự án PPP giao thông quan trọng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý II năm sau.

Theo một chuyên gia, nếu cấp bảo lãnh không thận trọng có thể tác động đến nợ công trong giai đoạn trước mắt. Tuy nhiên, nếu lựa chọn được đúng dự án, khi dự án đi vào vận hành khai thác sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, từ đó góp phần giảm nợ công. Vấn đề quan trọng nhất là lựa chọn được dự án thí điểm khả thi, đồng thời xem xét bảo lãnh đến mức độ nào để rủi ro được phân bổ hợp lý giữa nhà nước và nhà đầu tư.