05-02-2018


Cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn qua TP HCM và Long An sẽ thông xe vào quý III!

(Xây dựng) – Theo tin từ Ban quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam, đến nay, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn Long An – Nguyễn Văn Tạo, TP Hồ Chí Minh sẽ thông xe vào quý III/2018.


Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 57,1km đi qua 3 tỉnh Long An, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Theo đó, tuyến cao tốc này chia làm 3 đoạn. Đoạn phía Tây thành phố thuộc tỉnh Long An hiện đã xong trên 60% khối lượng; đoạn cầu Bình Khánh, Phước Khánh hiện đạt trên 30%; đoạn phía Đông (cầu Phước Khánh đến QL51) hiện mới khởi công và đang trong gia đoạn đền bù giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Mạnh Hùng – Giám đốc Ban quản lý Dự án các đường cao tốc phía Nam cho biết: Đến năm 2020 sẽ thông xe toàn tuyến nếu đáp ứng đủ vốn.

Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành do TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam, điểm đầu dự án là điểm giao giữa đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương và đường vành đai 3, điểm cuối giai đoạn 1 là nút giao với QL51, điểm cuối giai đoạn 2 là điểm giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Dự án có tổng chiều dài 57,1km đi qua 3 tỉnh thành gồm: Long An dài 2,7km, TP Hồ Chí Minh dài 26,4km và tỉnh Đồng Nai dài 28km. Dự án được xây dựng với 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.

Toàn tuyến cao tốc có 2 cầu kết cấu dây văng lớn nhất Việt Nam là cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp dài 2,76km, cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu dài 3,18km.

Đây là dự án lớn nhất ở các tỉnh phía Nam với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 1,6 tỉ USD, tương đương khoảng 32.000 tỉ đồng.

Mục tiêu dự án giúp giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam bộ không cần quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh.

Tuyến đường này nối trực tiếp với mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ cũng như hệ thống cảng biển Thị Vải – Cái Mép, Sao Mai – Bến Đình và sân bay quốc tế Long Thành.

Dự án còn góp phần làm giảm áp lực giao thông trên QL1, QL51; rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa; thu hẹp hành trình từ tỉnh Long An đến tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; từ đó thúc đẩy phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp, cảng biển tại các tỉnh phía Nam. Việc kết nối đường cao tốc Bến Lức – Long Thành với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Vũng Tàu (trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư) sẽ tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng (từ Bangkok qua Phnom Penh, TP Hồ Chí Minh – Vũng Tàu).