14-03-2018


Điều chỉnh quy hoạch vùng TP HCM: Tiểu vùng hưởng lợi lớn

Theo bản Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thì không chỉ TP.HCM, mà các tiểu vùng cũng sẽ hưởng lợi lớn.

Tiểu vùng lên ngôi

Theo bản Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/12/2017, phạm vi đã mở rộng không chỉ ở các tỉnh ven TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, mà đã xuất hiện những tiểu vùng xa hơn là các tỉnh, thành phố cách TP.HCM hàng trăm km.

Đơn cử, tại tiểu vùng phía Bắc – Tây Bắc TP.HCM, phạm vi mở rộng gồm tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và một phần tỉnh Bình Dương. Trong đó, đô thị Chơn Thành – Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước là cực tăng trưởng trên trục hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 13. Đô thị Trảng Bàng – Gò Dầu – Hà Thành, tỉnh Tây Ninh là cực tăng trưởng trên trục hành lang phía Tây Bắc dọc Quốc lộ 22.

Quy hoạch nêu rõ, tỉnh Tây Ninh sẽ phát triển các chức năng về kinh tế cửa khẩu, kho vận, trung chuyển hàng hóa trên trục hành lang Xuyên Á. Ngoài ra, sẽ phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, trồng cây công nghiệp; phát triển du lịch sinh thái rừng, du lịch văn hóa lịch sử tầm quốc gia, quốc tế, có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, bảo tồn cảnh quan rừng và đa dạng sinh học vùng TP.HCM. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 45 – 50%.

Trong khi đó, tỉnh Bình Phước sẽ đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng phía Bắc vùng TP.HCM, kết nối với vùng Tây Nguyên, vùng sông Mê Kông mở rộng các nước ASEAN. Phát triển vùng kinh tế cửa khẩu, công nghiệp sản xuất điện năng, du lịch sinh thái, nông nghiệp chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao. Duy trì bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và nguồn nước trong hành lang xanh phía Đông Bắc của vùng TP.HCM. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 45-50%.

Tỉnh Tiền Giang phát triển kinh tế về nông nghiệp chuyên canh trồng lúa, vườn cây ăn trái, thủy sản, du lịch sinh thái đặc trưng sông nước, là trung tâm kho vận về nông sản phía Tây Nam, trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học quốc gia, trung tâm dịch vụ, giáo dục, đào tọa, y tế của tiểu vùng. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 30 – 35%.

Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đây là các đô thị thuộc tỉnh quanh TP.HCM, các đô thị này cũng sẽ là các đô thị chuyên ngành, có vai trò tạo động lực trong vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường Vành đai 3, 4. Cũng như các trục hành lang kinh tế giữa TP.HCM với các tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre…

Nhiệm vụ của các tiểu vùng này là khai thác, chia sẻ và liên kết các chức năng lợi thế riêng của từng đô thị, đặc biệt là các đô thị trung tâm của tiểu vùng nhằm phát huy thế mạnh của toàn vùng. Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên, ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh nông, lâm nghiệp. Sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế phát triển theo mô hình đô thị lan tỏa. Hình thành hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và các công trình hạ tầng cấp vùng.

Cũng theo bà Linh, các tiểu vùng này sẽ có nhiều lợi thế về đầu tư dự án giao thông kết nối. Trong đó, sẽ ưu tiên phát triển các dự án trọng điểm cấp quốc tế, quốc gia và vùng tại đô thị trung tâm nhằm tạo ra động lực chính phát triển lan tỏa các tiểu vùng khác trong vùng. Tập trung ưu tiên đầu tư các dự án có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội các vùng và các tỉnh trong vùng theo lĩnh vực cụ thể.

Điều chỉnh quy hoạch vùng TP HCM: Tiểu vùng hưởng lợi lớn - Ảnh 1.

Quy hoạch vùng TP.HCM điều chỉnh mang lại nhiều lợi ích cho các địa phương như Bình Dương phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có thị trường bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

Đơn cử, đối với hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật khung kết nối với quốc tế, quốc gia và vùng như các dự án đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc (Dầu Giây – Phan Thiết, Bến Lức – Long Thành, Trung Lương – Mỹ Thuận, Biên Hòa – Vũng Tàu, TP.HCM – Mộc Bài và Gò Dầu – TP. Tây Ninh – Xa Mát). Đường Vành đai 3, Vành đai 4, Quốc lộ 22, 22B, Quốc lộ 14C kéo dài, Quốc lộ 50, đường sắt nâng cấp đường sắt TP.HCM – Mộc Bài, Dĩ An – Lộc Ninh, Biên Hòa – Vũng Tàu…

Đầu tư các dự án trọng điểm đầu tư các trung tâm y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa – thể thao cấp vùng tại khu vực ngoại thành TP.HCM và các tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang… để giảm tải cho khu vực nội đô TP.HCM.

Lợi thế kêu gọi nhà đầu tư

Đánh giá về việc mở rộng hơn trong quy hoạch vùng lần này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, đây sẽ là một lợi thế cho các tỉnh, thành phố lân cận TP.HCM phát triển mạnh trong việc kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông Tuyến, từ trước tới nay, các tỉnh lân cận TP.HCM chưa được chú ý đầu tư xứng tầm về giao thông cũng như y tế, giáo dục và trung tâm thương mại, nhưng bản quy hoạch vùng điều chỉnh này đã tạo cho các tỉnh trên một vị thế mới, đó là kinh tế vùng và đầu tư những dự án giao thông cũng như giáo dục, y tế… bài bản. Tất cả sẽ tạo cho các địa phương một vị thế mới để hút nhà đầu tư vào phát triển, giảm tải cho TP.HCM trong việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại.

Bên cạnh đó, về mô hình phát triển, vùng TP.HCM với mô hình tập trung – đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng trong phát triển vùng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Cụ thể, phát triển các đô thị nén, hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng; duy trì và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng, nguồn nước và các hành lang xanh trong vùng.

Về cấu trúc không gian, vùng TP.HCM được phân ra thành các tiểu vùng và trục hành lang phát triển kinh tế. Cụ thể, các tiểu vùng gồm tiểu vùng đô thị trung tâm là TP.HCM và vùng phụ cận tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai; tiểu vùng phía Đông gồm các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu; tiểu vùng phía Bắc – Tây Bắc gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc tỉnh Bình Dương; tiểu vùng phía Tây Nam gồm các tỉnh Tiền Giang và Long An.

Các trục hành lang kinh tế trọng điểm cũng đã mở rộng theo trục hành lang phía Đông Nam dọc Quốc lộ 51 với chuỗi các đô thị Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), trong đó, TP. Vũng Tàu và TP. Bà Rịa là cực tăng trưởng. Trục hành lang phía Đông dọc Quốc lộ 1 gồm chuỗi các đô thị Dầu Giây, Long Khánh, Gia Ray (Đồng Nai), trong đó đô thị Long Khánh là cực tăng trưởng.

Trục hành lang phía Bắc dọc Quốc lộ 13 gồm chuỗi các đô thị Bàu Bàng (Bình Dương), Chơn Thành, Bình Long, Hoa Lư – Lộc Ninh, Đồng Xoài (Bình Phước), trong đó đô thị Chơn Thành là cực tăng trưởng.

Trục hành lang phía Tây Bắc dọc Quốc lộ 22, 22B gồm chuỗi các đô thị Trảng Bàng, Phước Đông – Bời Lời, Gò Dầu, Mộc Bài – Bến Cầu, Hòa Thành, Tây Ninh, Tân Biên, Xa Mát (Tây Ninh), trong đó các đô thị Trảng Bàng – Gò Dầu, TP. Tây Ninh là cực tăng trưởng.

Trục hành lang phía Tây Nam dọc Quốc lộ 1 gồm chuỗi các đô thị Bến Lức, Tân An (Long An), Mỹ Tho, Cai Lậy (Tiền Giang), trong đó TP. Tân An – TP. Mỹ Tho là cực tăng trưởng.

“Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM lần này không chỉ đáp ứng mong muốn của TP.HCM, mà còn là sự kết nối chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố; đồng thời xác định được thế mạnh của từng địa phương, từng khu vực.

Đặc biệt, vai trò trung tâm của TP.HCM để 8 địa phương trong vùng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững, chia sẻ những khó khăn, thách thức và gắn kết trong việc phân bố các vùng, nhằm phát huy được tiềm năng thế mạnh của từng tỉnh, thành phố như phát triển du lịch, văn hóa – giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, thương mại dịch vụ và công nghệ thông tin”, ông Tuyến nói. (Báo Đầu Tư).