Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành: Lo chậm tiến độ!
Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành: Lo chậm tiến độ!
Nếu như tiến độ các gói thầu phía Tây và 2 cầu Bình Khánh, Phước Khánh của dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành vẫn nằm trong vòng kiểm soát, thì những gói thầu phía Đông thuộc địa phận Đồng Nai đang là nỗi lo của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC, chủ đầu tư dự án.
* 3 gói thầu đều chậm
Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU) thuộc VEC cho biết khối lượng công việc các gói thầu A5, A6 và A7 trên địa bàn Đồng Nai tính đến nay còn khá ít.
Cụ thể, gói thầu A5 có chiều dài 3,45km (bao gồm xây dựng 2 cầu Ông Kèo và Bàu Sen dài hơn 1km và 2,4km đường) thì nhà thầu hiện đang thực hiện dọn dẹp mặt bằng công trường, đào bỏ phần đất không phù hợp, đắp nền đường và thi công cọc khoan nhồi…
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an hỗ trợ bảo vệ không để các hộ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cản trở đơn vị thi công trong quá trình triển khai xây dựng các gói thầu trên địa bàn huyện đã được bàn giao mặt bằng”. |
Với gói thầu A6 có tổng chiều dài thi công là 16,5km (gồm xây dựng gần 16km đường, hơn 600m cầu thuộc nút giao Phước An và trạm dịch vụ), hiện tại nhà thầu đã triển khai khoan khảo sát địa chất để tính toán lại độ ổn định nền đường của đoạn tuyến sạt lở gần 2km và đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, đơn vị thi công tiếp tục công tác dọn dẹp, phát quang công trường đạt hơn 10km và đào bóc lớp hữu cơ trên bề mặt đạt gần 6,5km.
Gói thầu A7 có tổng chiều dài tuyến là 5,3km, trong đó xây dựng hơn 2km đường, 3km cầu và nút giao quốc lộ 51, trạm thu phí, tường chống ồn, hệ thống an toàn giao thông. Hiện nhà thầu đang triển khai phát quang diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, xây dựng các trụ, mố nhô các cầu tạm Thị Vải, Cà Tang và Bến Ngự.
Theo đánh giá của SEPMU, cả 3 gói thầu này đều chậm so với tiến độ ban đầu, nguyên nhân chính là do đơn vị thi công phải chờ có mặt bằng sạch để thi công. “Thực tế thì tỷ lệ mặt bằng sạch được 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch bàn giao khá lớn với trên 80%, nhưng vướng mắc là mặt bằng lại không liền mạch nên rất khó thi công. Đặc biệt ở huyện Long Thành hiện đang vướng đường vận chuyển thiết bị thi công cả trên cạn lẫn dưới sông” – ông Hùng chia sẻ.
* Cần vị trí Ưu tiên
Trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, từ tháng 5 đến nay Trung tâm phát triển quỹ đất chi nhánh huyện Nhơn Trạch đã bàn giao thêm 3 mặt bằng thuộc về 3 tổ chức với tổng diện tích 1,28 hécta. Theo đó, đã chi trả tiền bồi thường cho 891/947 trường hợp với diện tích hơn 141 hécta, đạt 87%, còn lại 56 trường hợp với diện tích trên 20 hécta chưa bàn giao.
Ông Lê Thành Mỹ, Phó chủ tịch phụ trách UBND huyện Nhơn Trạch cho biết địa phương đang hoàn tất hồ sơ đối với các hộ còn lại. Các hộ này chưa đồng ý và đang khiếu nại về vị trí đất.
Tại huyện Long Thành, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đã chi trả tiền bồi thường cho 215/276 trường hợp, diện tích đất bàn giao gần 35 hécta, đạt 83%, còn lại 153 trường hợp tại xã Phước Thái chưa bàn giao với diện tích hơn 7 hécta. Cụ thể là 92 hộ (diện tích 2,28 hécta) đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao đất do mới nhận nền tái định cư, đang chờ xây lại nhà; 54 hộ khác (diện tích gần 3 hécta) chưa nhận tiền bồi thường và đang khiếu nại về đơn giá đất đồng thời yêu cầu bố trí mặt tiền khu tái định cư. 7 trường hợp còn lại với diện tích 1,86 hécta là do huyện đang điều chỉnh lại quyết định.
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho hay, khó giải quyết nhất là đối với các trường hợp yêu cầu bố trí mặt tiền khu tái định cư. Việc này UBND huyện đã báo cáo với UBND tỉnh để xem xét xử lý.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, có 4 vị trí đơn vị thi công cần 2 huyện ưu tiên giải quyết sớm mặt bằng. Thứ nhất là gói thầu A5 tại xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) tại điểm thi công mố A1 cầu Bàu Sen để triển khai thi công cọc khoan nhồi, trụ P14 và mố A2 cầu Ông Kèo chuẩn bị triển khai thi công cọc đại trà. Thứ 2 là gói A6 ở xã Vĩnh Thanh, Phước An (huyện Nhơn Trạch) do phải xử lý đất yếu bằng phương pháp đào thay đất, thời gian thi công và chờ lún rất dài. Thứ 3 là vị trí thi công cầu vượt Phước An và bãi đúc dầm. Thứ 4 là gói thầu A7 tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) và xã Phước Thái (huyện Long Thành) do cần có mặt bằng triển khai thi công đường công vụ, đóng cọc và thi công trụ tạm cầu Bến Ngự. (Khắc Giới – Báo ĐN)