27-07-2018


Tính toán cho vùng phụ cận Cảng hàng không quốc tế Long Thành!

Tính toán cho vùng phụ cận Cảng hàng không quốc tế Long Thành!

Để chủ động hơn trong việc sử dụng quỹ đất nhằm phát triển vùng phụ cận Cảng hàng không quốc tế Long Thành, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng lập quy hoạch vùng này.

phu can san bay long thanh

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đây là vấn đề không hề đơn giản bởi vùng phụ cận cảng hàng không quốc tế sẽ rất rộng lớn với các phân khu chức năng phức tạp.

* 5 vùng chức năng

Ông Đỗ Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, việc lập quy hoạch cho vùng phụ cận của một dự án cảng hàng không quốc tế quy mô lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành rất khó, đòi hỏi phải có tầm nhìn xa cũng như kinh nghiệm dày dặn. Từ trước đến nay, Sở Xây dựng gần như chưa từng có kinh nghiệm quy hoạch dự án cảng hàng không, vậy nên nhiệm vụ này gần như hoàn toàn mới mẻ và các bộ phận chuyên môn phải nỗ lực nhiều để hoàn thành.

Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương đề xuất: “Trong quy hoạch vùng phụ cận cảng hàng không cũng cần bổ sung cả hệ thống cảng, đường ống cung cấp nhiên liệu cho máy bay để sau này khi cấp phép quy hoạch sẽ đồng bộ hơn, không bị “xé lẻ”, dẫn đến tình trạng manh mún”.

Theo Sở Xây dựng, các khu chức năng dự kiến sẽ được sắp xếp theo mô hình vệ tinh, đảm bảo sự linh hoạt trong liên kết nhằm hỗ trợ nhau. Các vùng chức năng này được đề xuất nghiên cứu trong bán kính 15km tính từ trung tâm cảng hàng không.

Cụ thể, vùng 1 là các khu chức năng hỗ trợ gồm: các kho trung chuyển, khu logistics, khu công nghiệp, khu hỗ trợ cảng hàng không. Khu chức năng này được bố trí với khoảng cách từ  5-7km quanh khu vực cảng hàng không. Vùng 2 là các  khu dân cư hiện hữu, khu tái định cư, khu đô thị thông minh, thành phố sân bay. Vùng này được quy hoạch dự kiến khoảng 15 ngàn hécta, tổ chức liên kết 3-4 đô thị tạo thành chùm đô thị ở đây. Vùng 3 là các khu chức năng dịch vụ – thương mại quy mô lớn như: khu thương mại tự do, khu vui chơi giải trí, dịch vụ hỗ trợ hàng không. Quy mô của các khu này cần khoảng 5 ngàn hécta được bố trí tại các cửa ngõ giao thông vào sân bay. Vùng 4 gồm các khu du lịch, dịch vụ, thể thao với quy mô diện tích khoảng 2 ngàn hécta. Các khu này được bố trí cách cảng hàng không khoảng 10km. Cuối cùng là vùng 5 – được xem như vùng đệm cảng hàng không gồm: mảng xanh dự trữ phát triển; khu cách ly, các khu phát triển nông – lâm nghiệp và an ninh quốc phòng.

Theo đề xuất, về ranh giới của vùng phụ cận Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì phía Bắc giáp TP.Biên Hòa, phía Tây giáp sông Đồng Nai, phía Đông giáp huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ và phía Nam giáp huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay quy mô, vị trí của từng khu chức năng cụ thể sẽ được tính toán và xác định trong nghiên cứu đồ án quy hoạch sau này.

* Cần xác định khu trọng điểm

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, những khu vực quan trọng bắt buộc phải định hình ngay từ bây giờ nếu không sau này khi cần đến, đất đai lại nằm trong tình trạng đã quy hoạch làm việc khác. Đặc biệt, những khu vực nào phục vụ trực tiếp cho cảng hàng không phải thực hiện ngay. “Hiện nay vùng phụ cận dự án cảng hàng không đang còn mới mẻ, đất đai chưa bị quy hoạch chồng chéo nên thực hiện sớm sẽ dễ dàng hơn, nếu không, chỉ trong một thời gian nữa sẽ không thực hiện được” – Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường nêu ý kiến, trong quy hoạch vùng phụ cận này, cần xác định cụ thể các khu chức năng tương lai để việc quản lý đất đai được hiệu quả, nếu không sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý sau này.

Theo đánh giá của Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, quy hoạch mà Sở Xây dựng đưa ra còn khá chung chung, cần tập trung cụ thể hơn như: chỉ rõ thành phố sân bay xây dựng ở đâu, diện tích bao nhiêu, vì sao ở vị trí đó? Thành phố này không thể quá xa sân bay vì nó là thành phố có liên hệ mật thiết với hoạt động của sân bay. Cùng với đó, khu vui chơi giải trí ở khu vực nào; các khu triển lãm, mua sắm ra sao? Các khu logistics ở đâu? Để phục vụ các nhu cầu thương mại, phân phối hàng hóa thì nơi đây cần những trung tâm lớn để thuận tiện cho vận chuyển và điều phối, bên cạnh đó cũng cần tính toán đến các  trung tâm hội trợ triển lãm như một số nước phát triển đã thực hiện, những khu này có thể nằm trong một quần thể sát nhau. “Tận dụng lợi thế của cảng hàng không để phát triển vùng phụ cận và ngược lại khi vùng này phát triển tốt, cảng hàng không cũng sẽ phát triển hơn” – Phó chủ tịch Trần Văn Vĩnh nói.