Dự án đường Vành đai 3 hứa hẹn sẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội nhiều địa phương phát triển. Ảnh:TL
Đồng thời, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương ký kết Hiệp định vay để sớm đầu tư thực hiện dự án.
Trước đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai trước Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Dự án thành phần 1A có điểm đầu giao cắt với Tỉnh lộ 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc địa phận quận 9 (TP. HCM). Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 8,75km, gồm 6,3km đi trên địa phận tỉnh Đồng Nai và 2,45km đi trên địa phận TP.HCM.
Đây là một trong 2 phân đoạn của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn I có tổng mức đầu tư 9.260,70 nghìn tỷ đồng, tương đương 423,06 triệu USD. Dự kiến dự án thành phần 1A sẽ vay vốn ODA từ Quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc.
Trước tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực ngày càng trầm trọng, Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc – Keximbank để đề nghị chấp thuận triển khai trước Dự án thành phần 1A. Vì cả điểm đầu và điểm cuối của Dự án thành phần 1A đều là 2 đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực. Điểm đầu là đầu mối tiếp nhận lượng hàng rất lớn đi và đến KCN Nhơn Trạch, nơi có hơn 200 doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc và các quốc gia khác đang hoạt động; điểm cuối nối thông với đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Được biết, Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP. HCM đã có nhiều văn bản kiến nghị sớm đầu tư kết nối từ Nhơn Trạch đến đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây (Dự án thành phần 1A) nhằm giải quyết khó khăn trong việc di chuyển, vận tải hàng hóa từ Nhơn Trạch đến TP. HCM.
Theo đó, nếu dự án thành phần 1A hoàn thành sẽ rút ngắn được hành hành trình di chuyển từ Nhơn Trạch đến TP.HCM và Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa, tăng cường trao đổi thương mại, phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội thị TP.HCM. Góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường Vành đai 3, thúc đẩy kinh tế – xã hội khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ phát triển.
Theo quy hoạch, dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 90km, đi qua địa phận các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương và TP.HCM. Về phương án đầu tư, dự án được chia làm 4 đoạn: Đọạn 1 Nhơn Trạch – Tân Vạn có chiều dài hơn 30km với quy mô 4 làn xe giai đoạn 1 (tăng lên 8 làn xe ở giai đoạn 2), đoạn 2 từ Mỹ Phước (Bình Dương) – Tân Vạn dài 16 km, hiện đang được tỉnh Bình Dương đầu tư, đoạn 3 từ Bình Chuẩn (Bình Dương) – quốc lộ 22 (TP.HCM) với chiều dài khoảng 17km, quy mô xây dựng là 6 làn xe và đoạn 4 từ quốc lộ 22 – đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương có chiều dài gần 30km với quy mô 8 làn xe. (Báo Mới)